Sau thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận rút toàn bộ quân đội về nước vô điều kiện. Thế nhưng chúng vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lược bởi Việt Nam là một trong những địa bàn quan trọng, là mắc xích chiến lược ở châu Á- Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu của Mỹ; ngoài ra đây còn là vấn đề danh dự của một nước lớn.
Để thay thế cho số quân Mỹ và chư hầu, bọn tay sai Nguyễn Văn Thiệu liền áp dụng chính sách bắt lính đôn quân để điền khuyết vào số lượng đã bị khiếm khuyết, mặt khác đế quốc Mỹ viện trợ ồ ạt về mọi phương tiện chiến tranh như: quân trang, quân dụng, và các loại vũ khí hiện đại nhằm phục vụ đánh lâu dài cho cuộc chiến bẩn thỉu này.
Thấy rõ âm mưu và ý đồ đen tối của kẻ thù, tháng 7 năm 1973 Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 21, sau khi phân tích những diễn biến của tình hình cách mạng miền Nam từ sau Hiệp định Paris, Đảng ta đã nhận định: “Con đường lớn của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực...”. Nghị quyết đã nhận định tình thế mới của cách mạng và chỉ hướng cho nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân tỉnh ta nói riêng là: địch phá hoại Hiệp định Paris lấn chiếm vùng ta thì ta không những chỉ đánh trả mà còn có quyền phản công lại, tấn công cả vào căn cứ và sào huyệt của chúng.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo ấy và nhằm trước mắt là bảo vệ vững chắc các vùng giải phóng, chống lại cái gọi là chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ” của bọn nguỵ, Khu uỷ và bộ Tư lệnh khu V quyết định dời căn cứ từ Trà My về Phước Trà, Hiệp Đức để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trước tình hình mới. Đây là đại bản doanh của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh khu V trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Là một khu căn cứ lớn, cách thị trấn Tân An khoảng 15 km về phía Tây, cách đường 612 khoảng 4km về phía Nam. Tại đây có nhiều khu vực đóng quân, làm việc, sản xuất như : hội trường, hệ thống hầm trú ẩn, hầm ở và làm việc của đồng chí Bí thư Khu uỷ, 02 ao cá, ao rau muống...
Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội lần thứ III (12/1973) của BCH khu uỷ, Hội nghị bàn về chiến lược quân sự nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm của địch, tiến công đánh địch và mở rộng vùng giải phóng...; cũng chính tại nơi đây Khu uỷ đã đề ra kế hoạch cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 theo tinh thần của Nghị quyết BCH Trung ương Đảng tháng 01 năm 1975.
Với ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của khu di tích Phước Trà trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ngày 24/3/1993, Bộ văn hóa Thông tin đã ban hành Quyết định số 288/QĐ-BT công nhận căn cứ Phước Trà là di tích quốc gia. Hiện tại, khu di tích đã được tôn tạo lại một vài hạng mục như nhà làm việc và hầm trú ấn của đồng chí Bí thư Khu uỷ Khu V, nhà trưng bày, các đường giao thông quanh khu di tích, ao cá. Bảo tàng tỉnh đã tổ chức sưu tầm và trưng bày tại khu di tích một số hiện vật, hình ảnh hoạt động ở căn cứ Phước Trà trong giai đoạn 1973-1975, nhằm ghi lại một phần nào quá khứ hào hùng của quân và dân Khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.